Halloween party ideas 2015

08:17




Để cảm xúc của bạn được `thăng hoa` như vậy, theo tôi điều quan trọng nhất là cái cây trông phải tự nhiên đã, rồi mới nói tới ‘Cổ-Kỳ-Mỹ’ hay tỷ lệ vàng gì đó. Nhìn cái cây có tính tự nhiên bạn sẽ cảm thấy như là nó đã được trồng vào chậu từ xửa xừa xưa rồi, có lẽ là cái hạt vứt vào chậu rồi tự mọc lên cũng nên.


cây maple của Walter Pall

Tới đây tôi xin phát biểu định nghĩa về cây tự nhiên mà tôi thấy đúng: “Thuyết phục được người xem rằng cây này chẳng ai đụng dao kéo gì nó, tự nó mọc thành vậy đấy”. Để thuyết phục được người, ta phải giấu đi mọi điều ta đã làm với cây bonsai thân yêu. Ví dụ cây sanh này bị một lỗi hay gặp là quấn dây xong rồi quên luôn, không tháo kịp dây ra nên dây quấn ăn sâu vào cành thành một vết hằn rất mất tự nhiên và khó sửa (thường thì quấn dây nên quấn hơi lỏng một chút, khi thấy dây hơi chớm bó vào cành là tháo ra được rồi)



Hoặc một ví dụ khác, cây đỗ quyên xinh đẹp này có một lỗi gây phản cảm với người xem là lộ dây chằng cố định gốc với chậu:



Vậy xin kết luận một nguyên tắc đầu tiên tạo ra tính tự nhiên của cây “Xóa mọi dấu vết tác động lên cây”, không có dây quấn, sẹo cắt tròn vo…

Có một cuộc tranh luận rằng cây phong cách tự nhiên có cần làm  giống như loài cây đó trong thực tế không? Nếu có thì cây mai chiếu thủy biết mô phỏng theo cái gì đây khi mà trong thực tế chúng thường mọc ở dạng cây bụi? Kết thúc cuộc tranh luận đó, kết quả là bạn làm cây theo phong cách nào cũng ok hết, không cần làm cây thông Scot nào cũng phải mảnh mai tao nhã như cây của ngài Walter Pall.

Chỉ cần lưu ý rằng đối với cây lá kim thì ưu thế đỉnh của chúng mạnh hơn cây lá bản, nên tán lá của chúng thường nhọn hơn một chút, và tác động của tuyết lên cây lá kim cũng mạnh hơn (do chúng không rụng lá) nên lá cây lá kim thường kiểu chĩu xuống rồi ngóc đầu lên. Mọi lá của cây lá kim đều ngóc lên gọi là ‘lá ngửa hứng sương’, nếu không ngửa lên lá sẽ dần úa tàn.


Vấn đề thứ 2 về tính tự nhiên của cây là `màu thời gian`. Màu đó là màu của phần Jin đã làm lũa được khá lâu rồi, nó nứt nẻ tự nhiên và có màu xanh xanh đặc trưng của rêu mốc như thế này:



Hoặc thể hiện qua vỏ cây nứt nẻ bong tróc từng mảng:



Có một người nước ngoài có sáng kiến để tạo nứt tự nhiên cho phần Jin như sau: dùng bình xịt tạo băng làm phần gỗ Jin lạnh đột ngột và nứt ra, tuy nhiên xin hãy cẩn thận với cách này, nó cũng dễ làm cây chết chẳng kém gì việc dùng lửa để làm tròn mịn những phần gỗ lũa.

Màu thời gian cũng thể hiện ở việc ăn nhập giữa gốc cây và phần đất chung quanh. Những cây mới trồng dễ bị trường hợp đường mép giữa đất và gốc cây không được tự nhiên, nhìn cây như bị lỏng gốc vậy.

Vấn đề thứ 3 về tính tự nhiên là cần phù hợp với sinh lý của cây. Tức là cái cây bạn uốn éo xong rồi thì nó có thể sống được mạnh khỏe. Chuyện hay gặp nhất là lá cây phải đủ ánh sáng, không được tán cây trên che mất ánh sáng của cây dưới. Hoặc lá của cây lá kim kiểu gì cũng phải ngửa lên, nếu bạn uốn chóp lá cây tùng cối chúc xuống chẳng hạn thì kiểu gì cây cũng bỏ lá đó. Hoặc giả bạn muốn cây trắc bách diệp phải xoắn tứ phía như trắc xoăn Nhật bản ư? Không thể nào, chắc chắn lá cây trắc bách diệp cũng sẽ tìm cách ngẩng đầu thẳng lên trời, hoặc sẽ chết.

Vấn đề cuối cùng mà tôi biết là tỷ lệ giữa các phần cấu tạo nên cây. Tức là cỡ lá, cỡ cành, cỡ hoa-quả cần tương xứng với kích thước cây. Thu nhỏ lá có lẽ là một trong những nhu cầu số một của anh em chơi cây. Ngoài việc may mắn sở hữu một cây lá nhỏ từ 3 đời trước (di truyền) thì có một số kỹ thuật làm nhỏ lá như là cắt nước, cắt phân, cắt một phần lá, bóc bao lá. Tôi sẽ viết một bài riêng về cách thu nhỏ lá. Hoa và quả thì rất khó thu nhỏ, có lẽ chỉ nên chọn những giống cây có quả phù hợp thôi, như cây firethorn này chẳng hạn:



Tổng kết: Dù lý thuyết là vậy, nhưng bạn đừng tin tôi! Hãy tự đi ngắm xem những cây cổ thụ quanh bạn chúng mọc thế nào, cành trĩu nặng thời gian thế nào, gốc rễ nó mọc làm sao… thì mới thực sự hiểu về cây tự nhiên. Vì vậy hãy phản đối việc chặt phá cây nếu có thể nhé, để còn có cây mà học hỏi chứ!
Cuối cùng xin điểm qua một số tiêu chuẩn cây đẹp thường thấy trong các hội thi:

Rễ
  • Bộ rễ phù hợp với cây
  • Bộ rễ lan tỏa về các hướng
  • Bộ rễ lộ căn bám chặt mặt đất
  • Bộ rễ không rối tung
  • Rễ lớn không đâm thẳng mặt tiền
  • Độ đồng đều của các rễ ngang
  • Các vết sẹo đã kéo da
Thân
  • Thu nhỏ từ gốc đến ngọn
  • Có tính cổ lão
  • Liền lạc
  • Đường nét thẩm mỹ
  • Cân xứng với bộ rễ
  • Không có sẹo lớn ở mặt tiền
  • Không ưỡn bụng ra phía trước
  • Chiều cao và đường kính thân hài hòa
  • Ngọn hướng nhẹ mặt tiền
Cành
  • Phân nhánh mỹ thuật
  • Độ lớn hài hòa với thân
  • Khoảng cách các cành thu hẹp dần
  • Đầu voi đuôi chuột
  • Xóa được dấu vết can thiệp
  • Hướng đủ các phía
  • Hai cành liên tiếp không cùng phương
  • Cấu trúc tán cành phù hợp thế cây
  • Có tính cổ lão
  • Có độ dài rộng hài hòa
  • Cành trước không che khuất cành sau
  • Cành thấp nhất ở độ cao hợp lý

  • Mật độ các tán vừa phải
  • Không che khuất cành, nhánh
  • Các tán lá hợp thành khối tam giác
  • Thu nhỏ lá
  • Biểu hiện sống khỏe
Chậu – vật chứa
  • Độ sâu phù hợp với thế cây
  • Chiều dài hợp với kích thước cây
  • Vị trí của cây trên chậu
  • Vị trí gốc cây so với mặt chậu
  • Màu sắc của chậu và cây phù hợp
  • Phẩm chất của chậu
Chủng loại
  • Cây có độ phát triển chậm
  • Cây khó trồng
Các điểm khác
  • Ấn tượng
  • Nét riêng
  • Lớp phủ trên mặt đất
Nguồn: BonsaiNinhBinh - English version:aestheticism of bonsai

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.