Giống cây linh sam nhìn bề ngoài xù xì, khô khan, tạo cảm giác như một vật hóa thạch, tưởng chừng đã chết, nhưng nó vẫn luôn sinh sôi. Chơi linh sam bây giờ không chỉ là nghệ thuật làm đẹp, mà còn là một thứ “mốt” khá tốn tiền hao của.
* Cây “hóa thạch”
“Phong trào chơi cây linh sam ngày một rộ lên. Nhiều người đam mê nó vì vẻ đẹp mộc mạc và cũng không kém phần huyền bí ở màu sắc và hương thơm” - ông Nguyễn Đức Hiển (ngụ xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) mở đầu câu chuyện về thú chơi cây linh sam hiện nay.
Theo ông Hiển, loại cây cảnh này xuất hiện lần đầu vào năm 2005, tại hội hoa xuân TP.Hồ Chí Minh. Những chùm bông màu tím quyến rũ, những đường lũa (phần gỗ chết dính vào thân cây) ấn tượng ở thân cây đã gây chú ý cho nhiều người xem. Hầu như những ai đến tham quan hội hoa xuân, khi đi ngang qua cây linh sam đều phải dừng lại trầm trồ và ngạc nhiên trước vẻ đẹp của loài cây bonsai này.
Cầm trên tay cây linh sam dáng hạc, ông Hiển nói thêm: “Sau hội hoa xuân năm đó, dân chơi cây cảnh bắt đầu lao vào tìm kiếm nguồn giống cây linh sam. Từ một loại cây rất bình dân, giá thành của linh sam từ đó đã thay đổi. Từ chỗ vài trăm ngàn đồng, linh sam tăng lên giá tiền triệu, chục triệu và bây giờ có cả những cây giá vài trăm triệu đồng”.
Là một trong những người sành chơi bonsai, ông Trần Văn Bảo (ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho biết: “Linh sam là loại cây thuần Việt, chỉ có ở vùng núi các tỉnh: Phú Yên, Ninh Thuận..., nơi khí hậu khá khắc nghiệt. Cả một thân cây khô, chỉ riêng một nhánh nhỏ sống, tạo cảm giác nó như một vật hóa thạch, cổ xưa, cái tưởng chừng đã chết, nhưng vẫn luôn trường tồn. Đó là cái hay, đặc biệt của linh sam”.
Tạo dáng cho cây linh sam. Ảnh: T.HẢI
Nói về loài cây này, ông Bảo lý giải các đặc điểm: lâu năm, da mốc, thân quái, rễ kiềng, gốc bồ, cành ngọn... đều hội tụ ở cây linh sam. Ngoài ra, cây còn có đặc điểm khá thú vị, phần lũa có thể chuyển màu nếu có nước thấm vào, tạo thêm phần thú vị khi chiêm ngưỡng. Phần lũa gần như đã hóa thạch nên không bao giờ bị hư hại, mục nát dù ở ngoài trời mưa gió. “Để tăng thêm phần nhìn cho loại cây cảnh này, chúng ta có thể dùng sơn PU phun lên phần lõi của linh sam. Màu “hot” và thích hợp nhất là màu đồng hoặc đen mun. Bên cạnh sự cứng cáp, mạnh mẽ của phần lõi, phần thân vỏ mềm mại hơn, đây là nơi bắt đầu sự sống của linh sam” - ông Bảo tâm sự.
* Phát triển thương hiệu
Để sở hữu những cây linh sam dáng độc và có phần lũa đẹp, người chơi phải bỏ rất nhiều công đi tìm. Trò chuyện với anh Lê Viết Nguyện (ngụ xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh), một người chơi chuyên đi “săn” linh sam ở tỉnh Ninh Thuận, mới thấy việc săn tìm linh sam không phải chuyện đơn giản khi người dân đã biết đến giá trị của cây. “Chính vì thế, giờ muốn tìm được những cây lâu năm phải chịu khó đi xa. Đến nay, vườn nhà tôi đã có hơn 300 gốc vừa nguyên liệu, vừa thành phẩm của 4 giống linh sam. Tôi chỉ sưu tầm rồi tạo dáng chúng như một thú chơi tao nhã để thư giãn sau một ngày làm việc, chiêm nghiệm cuộc đời và trải lòng vào thiên nhiên” - anh Nguyện hồ hởi cho biết.
Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TX.Long Khánh Phạm Viết Đệ (trái) đang hướng dẫn mô hình nhân giống cây linh sam.
Linh sam còn gọi là sam núi, là loại cây gỗ nhỏ, thân gỗ xù xì, cành nhánh cong queo, hình thù khá đa dạng và có phần gỗ lũa rất quý. Linh sam được nhiều người chơi cây cảnh bonsai ưa thích bởi bộ lá bóng mượt, hoa rất thơm và có sức sống mạnh mẽ trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.
Khi cây linh sam ngoài thiên nhiên ngày một hiếm, ông Phạm Viết Đệ, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TX.Long Khánh bắt đầu tìm cách nhân giống loài cây này bằng cách mua cây nguyên liệu đem về chiết cành rồi đem cấy với giống linh sam Sông Hinh (thuộc họ với cây linh sam phổ thông). “Vì linh sam Sông Hinh có giá trị cao, được thị trường ưa chuộng, dễ tạo chi, sức sống mãnh liệt dù bị cắt tỉa nhiều. Ngoài tự nhiên hiện nay, giống này hầu như bị cạn kiệt, nên phải nhân giống. Sắp tới, tôi sẽ triển khai mô hình này cho anh em trong Hội Sinh vật cảnh, từ đó khuyến khích họ làm giàu từ chính cây linh sam” - ông Đệ tỏ bày.
Ông Đệ cho biết thêm, nhu cầu chơi linh sam ở thị trường trong nước, cũng như nước ngoài rất nhiều, nhưng chưa có nơi nào nhân giống và xuất bán thành công. Ông đang bắt tay tạo dựng “thương hiệu” linh sam Long Khánh từ những người trong Hội Sinh vật cảnh do ông thành lập.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ có một thương hiệu hẳn hoi về cây linh sam. Bởi anh em trong Hội rất nhiều người sở hữu số lượng cây lớn, đủ để nhân giống và cung cấp cho thị trường. Nó là loại cây thuần Việt, sinh trưởng ở vùng khí hậu khắc nghiệt, qua bàn tay, khối óc của người chơi đã trở thành thú vui tinh thần của nhiều người. Giá thành cao, nhu cầu lớn, chắc chắn đây sẽ là cây cảnh “hot” nhất trong thời gian tới” - ông Đệ tâm sự.
Thanh Hải (Báo Đồng Nai)
Đăng nhận xét