Và đất trời rùng mình
Cây cối sốt mê man
Mùa bấc
Những cây linh sam mọc đầy vách núi thức giấc, bộ khung xương trắng lượn theo chiều đi, chiều chạy, chiều lồng lộn, nhập đồng của những cơn gió cá tính xoắn quặn, mạnh mẽ, thử thách, thôi không còn chịu đựng những nhạt ngọt đẩy đưa, những rung rinh điệu đà, thuận lòng số đông của những cơn gió nam ru ngủ, non người non dạ. Linh sam thức giấc và trở về đúng với chính mình, là cơ thể, tâm hồn, linh hồn đã qua thử thách của cuộc trần ai đúng nghĩa. Linh sam thấy mềm cong mà thật cứng cáp, thấy xương xẩu trơ khung mà uyển chuyển mượt mà. Mặc cho muôn hoa xung quanh nhảy mũi, ho khan, cảm bịnh, những cây linh sam sảng khoái trở mình, dụi mắt, lộc nõn, bông tím như ngọc trong đá, thân chồng trong thân, cành gác lên cành như đá hóa ngọc, thả mình tưởng bất động, kỳ thực là đang qua lại, lại qua, lên lên xuống xuống rất nhanh, nhanh hơn cả gió lồng, đi trước cả những mưu tính dập vùi, bẻ gãy. Mắt thường rất khó thấy những cuộc “lăng ba vi bộ” của linh sam.
Quỹ dự trữ sức mạnh của linh sam thật vô bờ bến, tôi nhiều lần ngồi lắng nghe trên vách đá muôn cây lá kể lể, than vãn, thậm chí là nghêu ngao, xào xạc vô tư, chỉ linh sam là im thính, phải, đúng là ím thính, nó chưa hẳn là im lặng, nó là quãng giữa một cuộc hát với những lời hát không âm thanh, những lời hát cất lên từ mê hoặc từ vực sâu và cả từ đỉnh trời. Chữ “linh” trong “linh sam” có lẽ xuất phát từ đây. Mỗi khi tôi mê đắm ngắm nhìn, lắng nghe tiếng hát không âm, tiếng hát hạ âm, tiếng hát nhiều quãng lặng của linh sam là tự thấy mình được phục hồi mạnh mẽ, đủ đầy sức vóc, tiềm lực, tự thấy mình được “sạc” căng đầy dòng nhân điện để sống đẹp, sống vui suốt một cuộc người và những trớ trêu, thử thách, vùi dập, bẻ gãy của cuộc đời trở nên “nhỏ như cây cỏ”, chỉ có người đủ điện mới hiểu những cơn gió bấc bạc đãi của cuộc đời cũng là một loại giá trị.
Linh sam, một loài cây đồng hương của tôi đã mang lại cho tôi tính cách và sức mạnh, tôi bám víu, chọn linh sam làm cứu cánh cho những quãng đi nát tan trong lòng, vậy mà sáng nay, khi leo lên vách núi quen thương, tôi đã sững người bàng hoàng. Loài cây mang trong mình mạnh mẽ thuật sống, thuật tồn tại, thuật “lăng ba vi bộ”, thuật miên giữ tâm linh… đã không còn nữa. Tôi bàng hoàng đau điếng khi thấy trước mắt mình, cả dọc sườn núi, dấu vết của dao rựa, cuốc xẻng, của sự tàn phá, giết chóc không nương tay. Linh sam sinh ra để chống chọi với hết thảy những nghiệt ngã của thiên nhiên, cả những cơn gió bấc hung dữ nhất đi qua, linh sam vẫn thản nhiên trổ ngọc trổ ngà, cả những cơn cháy rừng khủng khiếp đi qua, linh sam vẫn thản nhiên hồi sinh giữa tro tàn trắng hếu, vậy mà…
Có lẽ chính Tạo hóa tỏ ra không hoàn hảo khi chẳng lường hết sự tàn ác, tàn phá từ phía con người, họ đã bẫy cả đá, đục cả đá để bứng sạch, cả những cây linh sam “già làng trưởng bản” lẫn những linh sam niên thiếu mởn xanh, họ bốc đi những mụn rễ nhỏ nhất của linh sam và cả những loài cây quý hòng hoàn tất quy trình tuyệt diệt thiên nhiên.
Khi hạ sơn, xuyên qua khu rừng thương tật, oái oăm là tôi đã gặp những đoàn người mặt xanh lấm lét, dao đục xà beng lỉnh kỉnh… Họ bứng linh sam và những loài cây đẹp, cây quý về bán cho giới đại gia chơi kiểng, nghe đâu giá đang rất cao. Những cây linh sam lem luốc bầm dập, rũ rượi vẫn đang ím thinh trên vai của lũ lượt những hình người vô tâm vô tính, tôi nghe lời hát đau thương đang trầm buồn vòng vọng trong cuộc thử thách cuối cùng. Tôi khóc cho loài linh sam, những người bạn thân quý đã chinh phục tất cả trừ hiểm họa từ phía con người. Và những mùa gió bấc về ngang vách núi có bàng hoàng xót xa!? Thật chưa bao giờ sự tàn phá lại lộng hành như bây giờ!
nguồn: Tản văn - Nguyễn Hiệp
Đăng nhận xét